FMEA là một loại đánh giá rủi ro sử dụng cách tiếp cận từng bước để xác định các lỗi tiềm ẩn trong thiết kế, quy trình hoặc sản phẩm hoặc dịch vụ.
1. FMEA là gì?
FMEA là viết tắt của “Failure Mode, Effects and Criticity Analysis” có nghĩa là “Phân tích mô hình sai lỗi và ảnh hưởng”. FMEA là một loại đánh giá rủi ro sử dụng cách tiếp cận từng bước để xác định các lỗi tiềm ẩn trong thiết kế, quy trình hoặc sản phẩm hoặc dịch vụ. Nhận dạng này cho phép phân tích để ngăn ngừa hoặc giảm bớt những sai sót trong tương lai. FMEA là một hành động phòng ngừa, có nghĩa là phải được thực hiện trước khi một quy trình hoặc sản phẩm được thiết kế, sửa đổi hoặc áp dụng theo cách mới.
2. Ý nghĩa của F – M – E – A
Chúng ta cùng phân tích từng từ để hiểu thật sâu ý nghĩa của nó.
Failure: Sai hỏng
Là những thứ chúng ta không mong muốn, là hậu quả của quy trình. Nhưng sai hỏng được nhấn mạnh trong FMEA là sai hỏng dưới dạng tiềm ẩn. Chứ không phải là sai hỏng đã xảy ra. Có nghĩa là những sai hỏng có thể sẽ xảy ra trong tương lai.
Mode: Cách thức
Cho nên failure mode là cách thức gây ra sai hỏng, hoặc là kiểu sai hỏng. Chúng ta cũng rất dễ nhầm lẫn giữa từ failure mode và defect, trong khi hai từ này hoàn toàn khác biệt nhau. Failure mode tập trung nói về cơ chế, về nguyên nhân. Còn defect thì nó tập trung nói về vật thôi, nói về số lượng phế phẩm…
Effects: Ảnh hưởng, tác động
Có nghĩa là ảnh hưởng hoặc là tác động của sai hỏng này lên sản phẩm đầu ra là gì. Ví dụ: Một vết trầy xước, vết cắt trên bán thành phẩm chỉ là lỗi ngoại quan; Nhưng nếu nó là trên bao bì có thể gây thủng dẫn đến hư thành phẩm.
Analysis: Phân tích
Có nghĩa là chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân, phân tích rủi ro và hậu quả, từ đó phân loại ưu tiên để đưa ra những hướng cải tiến.
3. Người ta phân ra hai ứng dụng FMEA cơ bản
FMEA thiết kế: sử dụng trong phân tích các phần tử thiết kế. Tại đây, người ta tập trung vào các tác động sai lỗi liên quan đến các chức năng của các phần tử trong thiết kế
FMEA quá trình: được sử dụng để phân tích các chức năng của quá trình. Tại đây người ta tập trung vào các sai lỗi gây ra các khuyết tật lên sản phẩm
4. Các lợi ích của FMEA
FMEA giúp cho các nhà quản lý:
– Xác định các hình thức sai lỗi tiềm tàng có thể xảy ra và mức độ tác động nghiêm trọng của các lỗi này
– Đánh giá khả năng phát hiện ra các sai lỗi
– Đánh giá một cách khách quan khả năng xuất hiện các sai lỗi
– Phân loại các lỗi sản phẩm hay quá trình tiềm tàng có thể xảy ra
– Tập trung vào loại trừ các nguyên nhân gây ra các lỗi trọng yếu
Đối với các nhà sản xuất, FMEA thực sự là một công cụ hữu hiệu để thiết kế và cải tiến sản phẩm và quá trình. FMEA giúp chúng ta giảm thời gian và chi phí thiết kế.
> Mời bạn tham khảo các khoá đào tạo của Trường MTC.